Khi thiết kế nội thất gần trở nên bão hòa cả về phong cách lẫn thị hiếu của khách hàng, một sự phá cách có thể là gợi ý tốt cho những người đang tìm tòi những ý tưởng mới mẻ hơn.
#1 – POP ART | Trào lưu nghệ thuật đại chúng
POP ART là trào lưu mỹ thuật xuất phát từ nghệ thuật đại chúng của thời đại công nghiệp. Ra đời vào giữa thập niên 1950 tại các thị trường lớn, POP ART đặc biệt thành công tại Anh và Mỹ trong rất nhiều lĩnh vực thiết kế, quảng cáo, truyền thông, và tất nhiên cũng để lại dấu ấn trong ngành thiết kế nội thất.
Đặc điểm của phong cách này đến từ sự tươi mới và năng lượng nó mang lại: màu sắc có độ chói và tương phản cao (các gam màu bậc 1), ánh sáng mạnh làm nổi khối, đồ đạc có hình thức lạ mắt, , tạo nên hiệu quả thị giác rất mạnh.
Các hình tượng nghệ thuật, hình ảnh giải trí, truyện tranh… là những chủ đề chính trong các hình thức decor ăn theo POP ART. Tuy nhiên, đây là phong cách mang tính trào lưu và dễ lỗi mốt, đòi hỏi người chủ phải có gu thẩm mỹ và điều kiện kinh tế để bắt kịp xu hướng.
#2 – AVANT GARDE | Sáng tạo đi trước thời đại
Sự đổi mới trong thiết kế luôn vận động không ngừng – Đó là thông điệp của Avant Garde. Đây là phong cách đặc biệt ra đời vào đầu thế kỉ 20, được cho là đi trước thời đại bởi sự phá bỏ các giới hạn bên trong một không gian nhàm chán, cổ điển, nhưng vẫn đáp ứng được công năng cần thiết.
Wiener Werkstatte – Nhà thiết kế tiêu biểu thời kì đầu Avant Garde, có lý tưởng đối lập với khuynh hướng thiết kế cầu kì như Art Nouveau. Từ đây, ông bắt đầu nghĩ tới những hình khối thuần khiết được nhấn mạnh bằng các nét thẳng nhiều hướng, dứt khoát.
Ngày nay Avant Garde ngày càng hiện đại hơn. Vẫn là những hình khối, những nét ngang dọc nhưng được thiết kế hòa quyện vào nhau, tạo thành các không gian ấn tượng mà tinh tế, không có chỗ cho những đường nét trang trí cầu kì, thừa thãi.
Avant Garde sử dụng các màu sắc hiện đại với 1-2 màu làm điểm nhấn. Vật liệu thường là những lựa chọn mới như thạch cao, cẩm thạch, bê tông mài… kết hợp với gạch, gỗ.
#3 – RETRO | Hoài cổ theo cách hiện đại
Retro là một phong cách thiết kế thịnh hành trong những năm 50 – 70 của thế kỉ trước. Ngày nay, Retro được coi là Vintage cổ điển nhưng lại mang hơi thở của sự cách tân, hiện đại.
Với đồ nội thất hình thức kiểu Vintage nhưng thay vì những gam màu trầm, Retro táo bạo trong việc sử dụng các màu sáng, màu pastel hiện đại hay thậm chí là những màu tương phản mạnh, mang nét ngẫu hứng, bắt mắt và thời thượng.
Các đồ trang trí mang hơi hướng cũ và đượm màu thời gian, vật liệu kim loại không có bề mặt quá sáng, thậm chí là hơi trầy xước và gỉ sét nhẹ. Phong cách Retro nhấn nhá ở những đồ lưu niệm độc đáo, màu của gỗ đã sờn lớp vecner, những bức tranh treo ấn tượng, đồ decor hiện đại.
Ánh sáng tự nhiên là yếu tố quan trọng cần khai thác.
#4 – ORGANIC style | Thiết kế hữu cơ
Organic trong thiết kế đề cập tới các đường cong và hình dạng tự do thường được tìm thấy trong tự nhiên, tương phản dạng hình học của chủ nghĩa hiện đại. Đây là hình thức thiết kế thúc đẩy sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, biến sản phẩm trở thành nghệ thuật điêu khắc hoàn toàn tự nhiên.
Phong cách này nhấn mạnh vào ngôn ngữ tạo hình và hình thức của không gian, đồ nội thất. Đó là sự tự do, ngẫu hứng trong việc thể hiện, là sự biến đổi nhịp nhàng, không giới hạn về đặc tính.
Khi thiết kế theo Organic style, những đường cong thường sẽ là yếu tố chính, là điểm nhấn trong không gian. Màu sắc được lựa chọn có thể đa dạng, phá cách. Vật liệu thường sử dụng là gỗ, thạch cao, xi măng, vôi vữa, đất sét… những vật liệu dễ dàng trong việc tạo hình tự do.
#5 – COLOUR BLOCK | Không gian đa sắc màu
Colour block là một xu hướng thời trang mới vào năm 2011. Bắt kịp theo xu thế này, các nhà thiết kế đã áp dụng vào nội thất, tạo nên một luồng gió mới cho các không gian sống.
Xu hướng thiết kế này là sự áp dụng quy tắc kết hợp từ hai đến nhiều khối màu với nhau trong cùng một không gian hoặc trên một set đồ nội thất. Những khối màu này thường được sắp xếp đồng màu hoặc đối lập ở cạnh nhau, mang tính chất hỗ trợ và làm nổi bật đường nét, mảng khối.
Colour Block thích hợp cho những bạn trẻ cá tính, trong một không gian năng động và sáng tạo. Hiệu quả thị giác cao và bắt mắt sẽ mang lại cho bạn một nguồn năng lượng dồi dào, những ý tưởng mới trong công việc.
#6 – FUNKY style | Hướng ngoại, trẻ trung
Gần giống với Colour Block, Funky style cũng sử dụng màu sắc làm yếu tố chính trong thiết kế, tuy nhiên cách sử dụng có đôi chút khác biệt. Khi Colour Block là sự ngẫu hứng trong cách phối màu ở các mảng lớn, Funky style lại là các chi tiết nhỏ được kết hợp màu sắc theo các quy tắc cơ bản cho hòa hợp, tạo thành không gian vừa hỗn loạn, vừa vui mắt.
Funky style mang lại vẻ năng động và sức sống, nhưng lại không quá đa sắc màu như Colour Block. Các mảng tường, trần, đồ đạc được chọn màu có chủ ý, thậm chí là những bức tranh treo và thảm, rèm cửa… tạo nên một tổng thể phá cách, nhiều chi tiết ấn tượng.
Đặc điểm của Funky style là vui nhộn và hướng ngoại, nên hãy chú ý tới ánh sáng tự nhiên và trang trí phẳng (tranh vẽ tường, trần, sàn, tranh treo, đồ decor…)
#7 – ECLECTIC style | Phong cách Chiết Trung
Phong cách chiết trung là phong cách đại diện cho sự bình đẳng. Phong cách này không tuân theo những luật lệ trước đó mà pha trộn kết hợp cái cũ với cái mới, giữa phương Đông và phương Tây, sự khoa trương và khiêm tốn, ồn ào và yên tĩnh.
Chiết trung đề cao tính cá nhân nhưng không quá phóng khoáng, tự do, kết hợp nhưng không phải tạo ra “một mớ hỗn độn”. Từ màu sắc, vật liệu cho tới đồ nội thất, decor, tất cả phải hài hòa và cân bằng, mọi thứ bổ sung cho nhau, không có gì là nổi trội hơn những thứ còn lại.
Phong cách này hấp dẫn từ sự tương phản. Để tạo ra được sự tương phản này bạn cần có kết nối trong không gian, từ hình khối, tỉ lệ, bố cục, sự đối lập và nhắc lại.
#8 – Mixed Style | Hãy kết hợp theo cách của chính bạn
Cuối cùng, lý thuyết cũng chỉ là lý thuyết. Sự ấn tượng và độc đáo thế nào nằm ở cách mà bạn xử lý. Nếu tự tin vào gu thẩm mỹ của bản thân, hãy thử kết hợp mọi thứ với nhau miễn là chúng hài hòa, thuận mắt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét